Một trong những hình ảnh thường thấy của các ông bố khi ở bên con là dán mắt vào chiếc điện thoại, chính điều này sẽ làm tổn thương con nghiêm trọng.
Nếu bạn đã lên chức bố, cho dù độ tuổi tâm sinh lý của bạn chưa trưởng thành hoặc bạn vẫn chưa chuẩn bị tốt cho vai trò làm bố, thì bạn vẫn phải gánh trách nhiệm của một người bố trên vai, ít nhất thì hành động của bạn phải xứng với danh xưng của một người bố thực thụ.
Trong một khảo sát cho thấy: Đối với trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, nếu trẻ thiếu tình thương của bố, trẻ sẽ có hội chứng lo lắng, bỏ bữa, buồn rầu, tức giận. Trẻ càng nhỏ tuổi thì chịu ảnh hưởng càng nghiêm trọng.
Những đứa trẻ thiếu tình thương của bố, có khả năng bỏ học ở cấp trung học cao gấp 2 lần, có tỉ lệ phạm tội cao gấp 2 lần. Nếu trường hợp trẻ là con gái và thiếu tình thương của bố, sau này trẻ lớn lên có tỉ lệ trở thành mẹ đơn thân cao gấp 3 lần.
Dưới đây là những kiểu ông bố sẽ làm tổn thương con và ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ:
1. Bố dán mắt vào màn hình điện thoại khi chăm con
Các ông bố khi trông con thường có thói quen dán mắt vào màn hình điện thoại, lúc này sự tập trung của các ông bố đã bị phân tán, họ không chú ý đến con mà chú ý đến cái điện thoại, điện thoại đã vô tình trở thành vật cản trong sự gắn kết tình cảm cha con.
Sau khi tan sở, rất nhiều ông bố trở về nhà, họ dành phần lớn thời gian vào việc ăn cơm, nằm dài trên giường rồi tiếp tục dán mắt vào màn hình điện thoại.
Cuối tuần, các ông bố sẽ dẫn con đi chơi, họ sẽ không tập trung chơi đùa với con trẻ, bởi chốc lát họ sẽ gọi điện thoại, nhắn tin và lướt web.
Hành động của những ông bố vô tâm có ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ, mặc dù dẫn trẻ đi chơi, chơi đùa với trẻ, nhưng trẻ không cảm nhận được sự quan tâm của bố.
2. Sau khi tan sở, bố liền la cà quán xá
Có những ông bố không thích về nhà sớm, họ thường có thói quen về nhà khi trời đã tối mịt bởi họ say xỉn chè chén với đồng nghiệp và bạn bè.
Sau khi tan sở, những người mẹ sẽ trở nên bận rộn, vừa nấu cơm vừa chăm con, phải xắn tay làm hết việc nhà, những ông bố chè chén say xỉn nào có quan tâm cả nhà đang đợi mình về.
Khi họ về đến nhà thì trời đã tối mịt, họ bị vợ cằn nhằn về cái tội bợm nhậu, cả hai sẽ lời qua tiếng lại và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến đứa trẻ.
Có người mẹ nói đùa rằng, cô ấy đang phải chăm nom cả hai đứa trẻ, đứa lớn và đứa nhỏ, đứa lớn không ai khác chính là bố của đứa nhỏ. Trên thực tế, đàn ông thường trưởng thành muộn hơn phụ nữ, và nếu gánh trách nhiệm thì cả hai đều phải gánh như nhau.
3. Bố cho rằng nuôi dạy con là việc của người mẹ
Các ông bố thường mặc định là họ chỉ cần kiếm tiền, việc nuôi dạy con nên giao cho vợ. Thật ra đó là lối suy nghĩ sai lầm và ích kỷ, trẻ chỉ thật sự trưởng thành nếu có sự quan tâm, chăm sóc từ cả bố lẫn mẹ. Nếu bố và mẹ đùn đẩy trách nhiệm dạy dỗ sẽ khiến trẻ cảm thấy tổn thương.
4. Bố không dành thời gian chơi đùa với con
Nhiều ông bố không hề thích thú khi dành thời gian chơi đùa với con, họ chỉ quan tâm mỗi việc kiếm tiền và bù đắp bằng cách mua đồ chơi cho con, họ từ chối dành thời gian bên con, giúp con cảm nhận tình thương và phát triển những kĩ năng cần thiết.
Trong quá trình phát triển của trẻ, không thể thiếu vai trò của cả bố và mẹ. Mẹ sẽ là người mang đến cảm giác an toàn cho trẻ, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ bằng sự ân cần và dịu dàng. Bố sẽ là người rèn cho trẻ tính tự lập, kiên cường và cách giải quyết vấn đề. Nếu trẻ thiếu tình thương và sự quan tâm của bố, trẻ sẽ thiếu hụt những đức tính và kĩ năng cần thiết khi đối mặt với khó khăn.
5. Bố thường xuyên cãi nhau với mẹ
Khi trẻ chứng kiến hành vi của bố, trẻ sẽ bắt chước và học theo, trẻ sẽ nảy sinh cảm xúc tiêu cực khi nhìn thấy bố gào thét hằn học với mẹ.