Tình trạng ngân sách nhiều địa phương phụ thuộc vào bán đất theo lãnh đạo Bộ Tài chính là vấn đề rất thách thức với nền tài chính công.
Tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2018 diễn ra ngày 20/9, với chủ đề "Tái cấu trúc nền tài chính quốc gia hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững của Việt Nam”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Tài chính chỉ ra một loạt thách thức của tài chính công Việt Nam.
Trong đó, thách thức đầu tiên được ông Tuấn đề cập đến là tình trạng mất cân đối nguồn thu của một số địa phương. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, tuy tỷ lệ động viên ngân sách đạt 23,5% GDP nhưng thu ngân sách nhà nước chưa bền vững, nhiều địa phương còn quá phụ thuộc vào việc bán tài sản công, trong đó đặc biệt là bán quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, cơ cấu ngân sách đã có chuyển biến tích cực nhưng chi thường xuyên còn quá cao, trong khi chi đầu tư phát triển có chiều hướng giảm. Theo Thứ trưởng Tài chính, hiện tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam còn cao và mục tiêu của Chính phủ đặt ra là tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 chỉ còn 4% rất thách thức.
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn – Thứ trưởng Tài chính.
Ngoài ra, vấn đề hiệu quả, hiệu lực quản trị quản lý vốn nhà nước ở khu vực doanh nghiệp, tài sản công còn kém, vấn đề nợ công, chuyển giá, trốn thuế, gian lận thương mại… cũng là thách thức của tài chính công trong những năm tới.
Trước bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, yêu cầu tái cấu trúc tài chính quốc gia nhằm hướng đến phát triển nhanh, toàn diện và bền vững càng trở nên cấp thiết. Các chuyên gia cũng chỉ ra, dư địa tăng thu của ngân sách hiện nay có xu hướng giảm dần trong bối cảnh Việt Nam thực hiện cắt giảm thuế quan theo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Trong khi đó, cơ cấu các nguồn thu nội địa còn dựa nhiều vào các khoản thu có tính bền vững không cao, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn và là các khoản chi khó cắt giảm…
Tại diễn đàn, PGS. TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính đề xuất để giải quyết bài toán tái cấu trúc ngân sách, Việt Nam nên mở rộng cơ sở thuế thông qua việc giảm đối tượng không chịu thuế, bổ sung một số hàng hoá dịch vụ vào danh mục chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, thu hẹp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Hội tư vấn Thuế cũng đưa ra ý kiến điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cho rằng nên mở rộng diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với một số mặt hàng mới, nhưng chuyên gia này cũng đề nghị đưa mặt hàng điều nhiệt độ ra khỏi diện chịu thuế.
"Nghiên cứu mở rộng thêm một số đối tượng chịu thuế từ khai thác khoáng sản vốn là ngành có lợi nhuận siêu ngạch", bà Cúc đưa ý kiến.
Trong khi đó, về vấn đề tái cơ cấu tài chính công, bà Jacqueline Cottell- chuyên gia thuộc Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) chia sẻ kinh nghiệm, việc áp dụng thuế xanh như thuế năng lượng, giao thông sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng GDP nếu Việt Nam muốn đạt mục tiêu phát triển bền vững và không phải đánh đổi.
Theo bà, thuế xanh sẽ đóng góp trực tiếp vào các nguồn thu nội địa, giúp đạt được mục tiêu phát triển bền vững, giảm phát thải nhà kính, khắc phục bội chi. Thực tế, các quốc gia OECD đã lựa chọn thuế xanh nhiều hơn để huy động thêm nguồn thu, hỗ trợ cải cách, tạo cơ sở cho chi nhiều hơn vào giáo dục, phát triển hạ tầng, y tế. Bà cũng dẫn chứng số liệu thống kê cho thấy, từ năm 2014-2018 nhờ áp dụng thuế xanh, chi cho đầu tư vào giáo dục của OECD đã tăng 14%. Bà cũng dẫn chứng, từ năm 1991, Thụy Điển đã triển khai thuế xanh với mức phí 120 USD mỗi tấn CO2 giúp giảm phát thải nhà kính tới 24% so với nhiều năm trước.
Nguyễn Hà
Vnexpress.net